Thứ Năm, 15/05/2025
Zalo

Lyon tiếp tục mua tiền đạo: Cơn khát được giải tỏa, nhưng...

Thứ Năm 30/07/2009 14:34(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News
 ...Lyon đang phải đối diện với những rủi ro mới. Sa mạc trên hàng công đang trở thành một ốc đảo xanh tươi đầy sinh khí, nhưng bây giờ là lúc phải kìm hãm “cơn” mua sắm ấy lại?

Sau khi tiêu tốn tổng cộng 57 triệu euro cho ba tân binh Aly Cissokho, Lisandro Lopez (đều của Porto) và Michel Bastos (Lille), Lyon vẫn tiếp tục vung tiền. Jean-Michel Aulas tuyên bố rằng ông đã chính thức từ bỏ mục tiêu Loic Rémy do thói đỏng đảnh trong đàm phán giá cả bên phía Nice. Ban đầu, mức giá 15 triệu euro + Anthony Mounier đã được Nice chấp thuận, nhưng sau đó đội bóng này lại được thể nâng lên thành 16 triệu, rồi... 16,5 triệu mà vẫn “các” thêm Mounier. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là chiến dịch “bơm máu” cho hàng công đã kết thúc.

Ngay lập tức, Bafetimbi Gomis của St. Etienne và Daniel Guiza của Fenerbahce được đưa vào tầm “ngắm bắn”. Ban đầu, đội bóng Thổ Nhĩ Kỳ đã đồng ý với cái giá 12 triệu euro mà Lyon đặt cho chân sút người Tây Ban Nha. Tuy nhiên, cuối cùng thì họ đã nghĩ lại và bản thân cựu Vua phá lưới giải vô địch quốc gia Tây Ban Nha mùa 2007-2008 cũng không sẵn sàng đến Lyon. Với trường hợp của Gomis, cuối cùng thì St. Etienne đã chấp nhận mức giá 15 triệu euro mà Lyon đưa ra. Giờ đây, cầu thủ này chỉ cần vượt qua cuộc kiểm tra y tế nữa là có thể ký vào bản hợp đồng thời hạn năm năm, chuyển từ St. Etienne sang đội bóng láng giềng Lyon. Số tiền mà Aulas ném lên thị trường chuyển nhượng khi ấy sẽ phình ra thêm 15 triệu euro, biến đội chủ sân Gerland thành một trong những đội bóng “bạo chi” nhất mùa Hè này, cũng là mùa mua sắm điên cuồng nhất của Lyon trong lịch sử, với số tiền 72 triệu euro.

Gomis sẽ gia nhập Lyon

Hơn một nửa số ấy đã được bù lỗ bằng sự ra đi của Karim Benzema (sang Real Madrid - giá 35 triệu euro) và Kader Keita (Galatasaray - 8,5), khiến nỗi lo về tài chính không phải là điều làm ông chủ Aulas quá đau đầu. Thế nhưng cơn đau ấy giờ đây sẽ được “chuyển khoản” cho HLV Claude Puel. Ông hẳn phải rất bối rối với hàng công gồm Lisandro, Gomis và một loạt những “hàng tồn kho” chưa thể thanh lý, bao gồm Ederson, Cesar Delgado, Anthony Mounier, Frederic Piquionne và một người mới 30 tuổi nhưng đã lên hàng “bô lão” ở Lyon là Sidney Govou.

Giải pháp 4-4-2?

Nhân lực của hàng công có thể gia tăng lên con số sáu, nhưng phong cách của những người mới đến, có thể gây không ít rắc rối đến chiến thuật mà Puel ưa thích, mới là điều đáng lo. Sơ đồ 4-3-3 chỉ đòi hỏi một chân sút chơi cắm, nhưng cần đến cả một đội ngũ thật dồi dào những tiền đạo cánh có khả năng chơi rộng và gây đột biến cả ở biên lẫn trung lộ. Lyon đã bán đi hai người có phẩm chất như thế là Benzema và Keita. Đổi lại, họ sắp đón những chân sút chỉ quen mắc màn ăn sẵn hơn là chịu hy sinh để kiến tạo bóng cho nhau. Gomis mạnh về tốc độ, nhưng không biết chuyền bóng. Lisandro khá khẩm hơn một chút với kỹ thuật khéo léo và khả năng phối hợp tốt, nhưng thiếu đi tư duy bao quát của một cầu thủ đá lùi.

Vì vậy, 4-4-2 sẽ là giải pháp đơn giản nhất để tận dụng tối đa nguồn nhân lực những trung phong mới, loại bỏ bớt các cầu thủ đá cánh chơi không mấy hiệu quả mùa giải trước như Delgado hay Ederson, đồng thời duy trì sự có mặt của Govou - biểu tượng duy nhất còn sót lại đã từng thâu tóm đủ bảy danh hiệu vô địch Ligue 1. “Người Mohican cuối cùng” ấy có thể chơi tiền vệ cánh, có thể được đẩy lên đá tiền đạo và thậm chí nếu cần, Puel cũng đã tính đến giải pháp rút anh về đá... hậu vệ phải. Ở vị trí ấy, với thể lực chẳng mấy sung mãn, Govou cần thêm một cầu thủ đá biên phía trên che chắn cho anh. Hai bản hợp đồng mới Cissokho và Bastos cũng sẽ được phát huy tối đa sự bùng nổ khi leo biên lẫn phối hợp chồng cánh. Trong sơ đồ 4-4-2.

Tuy nhiên, đó cũng chưa hẳn là một giải pháp làm hài lòng tất cả. Bởi Lisandro không thể ngồi dự bị (vì cái giá kỷ lục 24 triệu euro, đắt nhất trong lịch sử Lyon), một suất chính thức còn lại trên hàng công vẫn là quá ít với đội ngũ tiền đạo đông đảo còn lại. Khi mới bán đi Benzema và Keita, Lyon lâm vào cuộc khủng hoảng thiếu. Giờ đây, họ sắp đưa mình vào một bài toán nhân lực khó khăn khi “cơn nghiện” tiền đạo đang vượt ngoài tầm kiểm soát.

Vá trên, thủng dưới?

Nếu phải bầu chọn ra đội bóng có nhiều hậu vệ chấn thương nhất mùa trước, Lyon chắc chắn không có đối thủ. Toàn bộ hàng phòng ngự của họ đều từng nếm trải cảm giác đi viện từ lúc bắt đầu cho đến khi mùa giải kết thúc. Vòng một, Francois Clerc bị rách dây chằng đầu gối sau một pha đỡ bóng... sai kỹ thuật và ngồi ngoài từ đó cho đến khi gần hết mùa. Chấn thương ấy là phát súng mở màn cho phong trào “người người nhập viện” ở hàng thủ Lyon. Anthony Reveillere, Fabio Grosso, John Mensah, Cris, Jean-Alain Boumsong... đều từng phải nghỉ thi đấu với thời hạn ngắn dài đủ cả, khiến khung thành của thủ môn Hugo Lloris phải đặt dưới sự che chắn của những chú nhóc con vắt mũi chưa sạch như Lamine Gassama (sinh năm 1989), Thimothee Kolodziejczak hay Sebastian Faure (đều 1991).

Cơn bão thương tật ấy là một trong những nguyên nhân chính khiến Lyon càng đá càng suy yếu và cuối cùng sụp đổ trước phong độ không tưởng của Bordeaux trong giai đoạn cuối mùa (thắng liên tiếp 11 trận cuối). Thế nhưng điều lạ lùng là trong danh sách tân binh của họ năm nay chỉ có một cái tên duy nhất là hậu vệ, thậm chí lại là một mẫu hậu vệ giỏi... tấn công hơn là phòng ngự: Aly Cissokho. Còn lại, Lyon liên tục “ngắm bắn” các chân sút mới, nhưng gần như hoàn toàn bỏ quên tuyến sau đã từng là nguyên nhân khiến họ trở nên khốn khổ mùa trước. Mới đây, Cris - trung vệ được coi là tốt nhất của “Les Gones” hiện tại - còn phát biểu đầy ngụ ý với tờ France Football rằng dù anh vẫn yêu Lyon, nhưng sức hấp dẫn từ những giải đấu hàng đầu châu Âu khác thậm chí còn “đáng yêu” hơn và khả năng rời khỏi Gerland của anh ta không phải là không có.

Chừng ấy lý do, không hiểu đã đủ sức thuyết phục Ngài Chủ tịch Aulas cân bằng chiến lược mua bán của mình một chút hay chưa...


(Theo Thể Thao Văn Hóa)
Khám phá thêm nội dung hấp dẫn trong các chủ đề liên quan:

Có thể bạn quan tâm

Pro Chiến thắng tại El Clasico: Bản tóm gọn hoàn hảo về Barcelona mùa này

Chiến thắng tại El Clasico: Bản tóm gọn hoàn hảo về Barcelona mùa này

Pro Chiến thắng tại El Clasico: Bản tóm gọn hoàn hảo về Barcelona mùa này

Trong bối cảnh các giải VĐQG thường xuyên nằm dưới sự thống trị của một nhóm nhỏ các siêu CLB quen thuộc, đôi khi rất khó để phân biệt sự khác nhau giữa các nhà vô địch. Tuy nhiên, chức vô địch La Liga 2024/25 của Barcelona, dù chưa chính thức về mặt toán học, sẽ mãi khắc sâu trong ký ức của những người đã dõi theo nó.

Barca "sống mà không cần đồng hồ"

Barca sống mà không cần đồng hồ

Barca "sống mà không cần đồng hồ"

Tôi có một người bạn không đeo đồng hồ. Có một thời gian, anh ấy thường nhét vào túi quần một chiếc điện thoại cũ, nhỏ với màn hình đen trắng và dùng sim trả trước không Internet. Giống như loại mà dân buôn “mai thúy” hay dùng để cuộc gọi không bị lần ra, hoặc cũng giống loại mà nhà phê bình phim Carlos Boyero hay dùng. Anh ấy thường chậm hơn mọi xu hướng, nhưng luôn là người mở đầu cho làn sóng tiếp theo.

Bạn thấy gì từ trận cầu thủ tục giữa Liverpool và Arsenal?

Bạn thấy gì từ trận cầu thủ tục giữa Liverpool và Arsenal?

Bạn thấy gì từ trận cầu thủ tục giữa Liverpool và Arsenal?

Phút 95, Martin Ødegaard thoát xuống đối mặt thủ môn. Khán giả Arsenal bên khán đài Anfield Road đồng loạt chồm tới, nín thở chờ đợi. Ở đâu đó trên cái dàn bình luận bất tử nơi chín tầng mây, cố BLV Brian Moore chắc đang hắng giọng: “Mọi thứ giờ đều có thể xảy ra!”

Xem thêm
top-arrow
X