Chelsea và bài toán hóc búa mang tên kinh nghiệm

Tác giả Tú Nguyễn - Thứ Năm 08/05/2025 16:53(GMT+7)

Zalo

Enzo Maresca, một HLV chưa có nhiều kinh nghiệm đang dẫn dắt một tập thể trẻ trung được gây dựng bởi một ban lãnh đạo cũng mới mẻ không kém. Trớ trêu thay, kinh nghiệm chính là thứ ông đang nhắc đến nhiều nhất thời điểm này.

chelsea3-PNG-1746390578-2885-174
 

Trong cuộc họp báo gần nhất, Maresca lấy ví dụ về Liverpool, đối thủ mà Chelsea đã phải xếp hàng danh dự tại Stamford Bridge hôm Chủ nhật vừa rồi vì đã đăng quang Premier League sớm tới 4 vòng đấu.

“Khác biệt nằm ở khả năng duy trì sự ổn định,” Maresca nói. “Họ có nhiều cầu thủ kinh nghiệm hơn, những người biết cách giành chiến thắng trong các trận cầu then chốt. Khi bạn có kinh nghiệm, bạn luôn sở hữu lợi thế nhất định.”

Nghịch lý ở chỗ, Maresca không yêu cầu Chelsea từ bỏ chính sách tìm kiếm cầu thủ trẻ để chuyển sang xây dựng đội hình dày dạn trận mạc. Ngược lại, ông cho rằng kinh nghiệm là thứ có thể tích lũy qua thời gian. Maresca tin rằng bản thân ông và các học trò sẽ trưởng thành hơn sau mùa giải này, nhất là nếu họ giành quyền dự Champions League và vô địch Conference League.  

Đó là một lập luận có cơ sở. Nhưng giống như toàn bộ dự án mà Chelsea đang triển khai, nó dựa trên một giả định cốt lõi, rằng mọi thứ rồi sẽ tiến bộ theo thời gian. Vấn đề là bóng đá không vận hành theo công thức 1 + 1 = 2. Bởi nếu như vậy thì rõ ràng Chelsea, đội đã chi nhiều nhất cho một kỳ chuyển nhượng ở mùa 2022/23, rồi chi tiếp số tiền lớn thứ hai trong lịch sử bóng đá ở mùa 2023/24, đáng ra phải đang ở một vị thế khác khi mùa 2024/25 chuẩn bị khép lại.

Dù mục tiêu giành suất dự Champions League hay chinh phục Conference League đều quan trọng (và có vẻ như vẫn nằm trong tầm với, bất chấp bầu không khí chán nản bao trùm Stamford Bridge từ đầu năm nay), nếu Chelsea chỉ đạt được chừng đó, cái họ thu lại vẫn quá ít ỏi so với hơn 1 tỷ bảng mà liên minh Todd Boehly - Behdad Eghbali đã đổ vào TTCN.

Chelsea và bài toán hóc búa mang tên kinh nghiệm 1
 

Chiến lược chuyển nhượng của Chelsea cực đoan đến khó tin. Không chỉ vì số tiền họ đã chi ra, mà còn bởi số lượng tân binh được mang về và độ tuổi trung bình quá trẻ: Enzo Fernandez, Mykhailo Mudryk, Nicolas Jackson và Filip Jorgensen cập bến Stamford Bridge ở tuổi 22. Wesley Fofana, Benoit Badiashile, Moises Caicedo, Cole Palmer đến ở tuổi 21. Noni Madueke, Renato Veiga, Datro Fofana cập bến khi mới 20. Romeo Lavia, Lesley Ugochukwu, Malo Gusto và Aaron Anselmino là những bản hợp đồng ở tuổi 19, trong khi Omari Kellyman, Carney Chukwuemeka, Andrey Santos, Deivid Washington, Kendry Paez và Marc Guiu thậm chí còn chưa bước sang tuổi 19. Và đó là chưa kể đến những tân binh sắp cập bến mùa hè này như Mike Penders (19), Dario Essugo (20) hay Estevao Willian (18).  

Nhiều cái tên trong số này được Chelsea ký hợp đồng chỉ sau một vài màn trình diễn hứa hẹn ở CLB cũ: Gusto mới có 34 lần đá chính tại Ligue 1 cho Lyon; Lavia ra sân 26 trận cho Southampton; Madueke có 21 trận tại giải VĐQG Hà Lan trong màu áo PSV; Mudryk chơi 19 trận cho Shakhtar Donetsk, bằng đúng số trận Jackson góp mặt tại La Liga cùng Villarreal. Palmer chỉ có đúng 3 lần đá chính tại Premier League trong màu áo Man City. Ngay cả nhà vô địch World Cup 2022, Fernandez cũng chỉ có vỏn vẹn 17 trận đá chính cho River Plate và 17 trận cho Benfica, trước khi Chelsea “phá két” để đưa anh về Stamford Bridge với giá kỷ lục.

Tài năng rõ ràng không thiếu. Nhưng trong số những cầu thủ còn “chân ướt chân ráo” bước ra ánh sáng bóng đá đỉnh cao, chỉ duy nhất Palmer là để lại dấu ấn đậm nét tại Chelsea. Một vài cái tên khác như Jackson, Fernandez hay Caicedo đã có những thời điểm chơi bùng nổ. Nhưng rốt cuộc, có bao nhiêu người trong số họ đã thực sự chứng minh được rằng mình đủ đẳng cấp để trở thành trụ cột ở một đội bóng cạnh tranh danh hiệu?    

Vấn đề cốt lõi nằm ở môi trường mà dàn cầu thủ trẻ đầy tiềm năng này đang phải trưởng thành: Một tập thể hỗn loạn, bất ổn kéo dài suốt hai đến ba mùa giải. Sự xáo trộn liên tục từ băng ghế huấn luyện đến đội hình chính khiến họ gần như không có cơ hội xây dựng sự gắn kết tối thiểu. Nhưng điều đáng lo ngại hơn là sự thiếu hụt về bản sắc. Từ một lối chơi thiếu định hình, văn hóa phòng thay đồ nhạt nhòa cho tới sự non nớt về kinh nghiệm lẫn bản lĩnh thi đấu; tất cả đều là những yếu tố sống còn mà bất kỳ HLV nào cũng đề cao khi xây dựng một đội bóng lớn.  

Về lý thuyết, nếu dự án của bạn xoay quanh việc đầu tư và phát triển tài năng trẻ thì kinh nghiệm, bản lĩnh và tố chất thủ lĩnh sẽ dần hình thành theo thời gian. Nhưng liệu điều đó có thể xảy ra khi đội hình của bạn gần như tách biệt hoàn toàn khỏi ảnh hưởng từ những cựu binh, những người thấm nhuần văn hóa CLB và hiểu rõ sự khốc liệt ở các đấu trường hàng đầu?

Tại World Cup 2022, Fernandez tỏa sáng rực rỡ trong một tập thể Argentina đầy rẫy những chiến binh dạn dày trận mạc. Còn ở Chelsea, chính anh lại trở thành chỗ dựa cho những cầu thủ trẻ hơn, dù bản thân anh vẫn đang loay hoay để thích nghi với áp lực khắc nghiệt của Premier League.

Chelsea và bài toán hóc búa mang tên kinh nghiệm 2
 

Dù Chelsea vẫn còn cơ hội giành danh hiệu mùa này, không khó hiểu khi người hâm mộ đội bóng đang mang trong mình cảm giác hoài niệm. Tuần này đánh dấu tròn 20 năm kể từ chức vô địch Premier League mùa giải 2004/05 dưới thời Jose Mourinho, danh hiệu đầu tiên của Chelsea sau nửa thế kỷ chờ đợi. Nhiều nhà vô địch sau này có thể chơi thứ bóng đá quyến rũ hơn, nhưng rất ít đội bóng nào đáng gờm và hiệu quả như tập thể ấy: Petr Cech trong khung gỗ, bộ đôi Ricardo Carvalho - John Terry án ngữ ở trung tâm hàng thủ, còn Claude Makelele và Frank Lampard kiểm soát hoàn toàn tuyến giữa. Họ chỉ để lọt lưới 15 bàn cả mùa, một kỷ lục vẫn chưa đội nào xô đổ được đến tận ngày nay.     

So với những nhà vô địch khác, đó là một tập thể tương đối trẻ trung. Trong số các trụ cột mùa giải 2004/05, chỉ có Makelele là trên 27 tuổi (31). Đội trưởng Chelsea khi ấy, Terry bằng tuổi với Fernandez hiện tại (24). Nhưng phần lớn các cầu thủ lúc đó đều đang ở độ chín sự nghiệp.    

Carvalho và Paulo Ferreira đều 26 tuổi và vừa cùng Porto vô địch Champions League một năm trước. Didier Drogba 27 tuổi, Lampard và Damien Duff cùng 26 tuổi. Ngay cả hai cầu thủ trẻ nhất thường xuyên đá chính là Cech (22) và Arjen Robben (21) cũng đều có ít nhất 4 mùa giải liên tiếp chơi bóng chuyên nghiệp trước khi gia nhập Chelsea.   

Đó là cách tiếp cận hoàn toàn khác với hiện tại, nơi Chelsea đặt quá nhiều niềm tin vào tiềm năng chưa kiểm chứng và kinh nghiệm còn non nớt của các cầu thủ trẻ. Có một sự khác biệt rất lớn giữa việc chiêu mộ Robben, một trong những tài năng trẻ sáng giá nhất châu Âu lúc bấy giờ, rồi đặt anh vào một hệ thống đã hoàn chỉnh, giàu kinh nghiệm và sẵn sàng nâng đỡ anh trưởng thành, và việc ký hợp đồng với Madueke, một cái tên còn khá vô danh cũng từ PSV ở cùng độ tuổi, trước khi ném anh vào một tập thể hỗn loạn, thiếu định hướng và kỳ vọng anh sẽ tự thích nghi.

Chelsea và bài toán hóc búa mang tên kinh nghiệm 3
 

 

Maresca nhấn mạnh rằng kinh nghiệm là khác biệt lớn nhất giữa đội bóng của ông và Liverpool. Nhưng ông cũng đề cập thêm yếu tố “ổn định”.

Thành công mùa này của Liverpool dựa trên một bộ khung ổn định. Những trụ cột như Alisson, Van Dijk, Trent Alexander-Arnold, Andy Robertson hay Mohamed Salah đã góp công lớn đưa CLB lọt vào chung kết Champions League năm 2018, vô địch châu Âu năm 2019 và đăng quang Premier League năm 2020. Đôi khi, sự im ắng trên TTCN khiến nhiều CĐV Liverpool sốt ruột, nhưng chiến lược chuyển nhượng của họ hoàn toàn trái ngược với sự thất thường, lúc bạo chi, lúc thì vá víu của Chelsea trong những năm gần đây.

Liverpool hiếm khi chi tiền cho những “bom tấn”. Van Dijk là một ngoại lệ duy nhất: Với mức phí 75 triệu bảng, anh đã trở thành hậu vệ đắt giá nhất lịch sử thời điểm đó. Họ cũng rất hiếm khi đưa về những cầu thủ lớn tuổi. Ngoài Thiago Alcantara (29 tuổi, hè 2020) và Wataru Endo (30 tuổi, hè 2023), gần như không có trường hợp nào khác.

Liverpool tập trung vào cầu thủ trẻ có tiềm năng phát triển, những người không những có thể tỏa sáng trong hệ thống, mà còn có giá trị bán lại nếu cần. Nhưng điều quan trọng là họ chú trọng vào chất lượng hơn số lượng. Họ không mua ồ ạt 5 thủ môn trẻ và 5 tiền vệ trẻ và mong rằng một, hai người trong số đó sẽ tỏa sáng, còn số còn lại đem bán dần. Dù cũng nhắm tới cầu thủ trẻ, độ tuổi mà Liverpool nhắm đến và cả thị trường họ tham gia lại rất khác với chiến lược đầu tư rầm rộ mà Chelsea theo đuổi vài mùa giải qua.    

Van Dijk đã 26 tuổi khi gia nhập Liverpool. Alisson, Salah, Wijnaldum, Mane, Luis Diaz đều ở tuổi 25. Fabinho, Oxlade-Chamberlain, Mac Allister là 24. Firmino, Naby Keita, Gakpo, Jota, Robertson ở tuổi 23. Konate, Szoboszlai, Darwin Nunez mới 22. Ryan Gravenberch chỉ 21. Không phải ai cũng thành ngôi sao lớn, nhưng tỷ lệ thành công đủ cao để chứng minh rằng ở đẳng cấp như Liverpool, việc ưu tiên những tài năng đang bước vào độ chín từ 21 đến 26 tuổi để bổ sung cho bộ khung đã định hình là con đường khôn ngoan hơn nhiều so với cách Chelsea đang đi: Dồn toàn lực cho độ tuổi từ 18 đến 22.

Dễ hiểu vì sao các CLB bị cuốn hút bởi những tài năng tuổi teen. Tại sao phải trả 75 triệu bảng cho Van Dijk ở tuổi 26 khi có thể mua anh từ Celtic lúc 24 tuổi chỉ với 13 triệu, hoặc thậm chí từ Groningen lúc 21 tuổi với giá 2,6 triệu? Tương tự với Salah: Thay vì trả 44 triệu bảng cho phiên bản hoàn thiện tại Roma, tại sao không mua anh từ Basel với giá rẻ bằng 1/4?  

Trên thực tế, Chelsea từng làm đúng điều đó. Họ chiêu mộ Salah từ Basel ở tuổi 21 với giá 11 triệu bảng, mua De Bruyne từ Genk khi mới 19. Tuy nhiên, do sở hữu quá nhiều cầu thủ tấn công cùng lúc, Chelsea không có đủ không gian để họ phát triển, dẫn đến việc phải bán cả hai để thu lời: Salah sang Roma, còn De Bruyne tới Wolfsburg. Việc Chelsea chiêu mộ quá nhiều tài năng trẻ nhưng không thể sử dụng hiệu quả là câu chuyện lặp lại suốt hơn một thập kỷ.  

Điểm khác biệt dưới thời Boehly/Clearlake là sự chênh lệch độ tuổi quá lớn. Mùa hè năm ngoái, Chelsea có bổ sung một vài cái tên trong nhóm 24-26 tuổi như Tosin Adarabioyo, Dewsbury-Hall, Pedro Neto, Jadon Sancho hay Joao Felix. Nhưng ngay từ thời điểm đó, đã có hoài nghi rằng nhóm cầu thủ này không đủ dày dạn để mang đến những phẩm chất Chelsea còn thiếu trong mùa giải họ cán đích ở vị trí thứ sáu dưới thời Pochettino.   

Trong quãng thời gian không mấy hạnh phúc tại Stamford Bridge, chính Pochettino đã nhiều lần khẳng định đội bóng cần những cầu thủ giàu kinh nghiệm. Đây là một trong những bất đồng lớn giữa ông và bộ đôi GĐTT Paul Winstanley - Laurence Stewart cũng như giới thượng tầng CLB. Chiến lược gia người Argentina tin rằng ông là một trong số ít người tại Chelsea thực sự hiểu thách thức mà họ phải đối mặt, sau khi đầu tư ồ ạt vào một đội hình quá trẻ.

Không chỉ đánh cược với loạt bản hợp đồng non nớt, cách Chelsea xử lý những tài năng trẻ khác cũng gây nhiều hoài nghi. Triều đại cũ từng bị chỉ trích vì đánh giá thấp các “cây nhà lá vườn” như Marc Guehi, Fikayo Tomori hay Tino Livramento. Nhưng ngay cả hiện tại, chưa rõ tại sao CLB bán đi hai cầu thủ trẻ đầy tiềm năng là Lewis Hall và Ian Maatsen (trong khi vẫn khẳng định sẽ xây dựng tương lai dựa trên thế hệ cầu thủ trẻ) ngoài lý do tránh việc vi phạm luật Công bằng tài chính.

Việc vội vàng rao bán Trevoh Chalobah hồi mùa hè, rồi lại gọi anh trở lại từ Crystal Palace vào tháng 1 chỉ phản ánh rõ hơn sự thiếu nhất quán. Djordje Petrovic và Andrey Santos đang chơi ấn tượng tại Strasbourg lẽ ra là tín hiệu tích cực, nhưng người ta lại hoài nghi rằng liệu Chelsea có cần họ ngay lúc này, hay sẽ lại lặp lại vòng luẩn quẩn: Đầu tư, cho mượn, bán vội.

Chelsea và bài toán hóc búa mang tên kinh nghiệm 4
Andrey Santos

Dù việc chia tay HLV Mauricio Pochettino là đúng hay sai, ít ai hình dung Chelsea lại đặt niềm tin vào một cái tên có ít kinh nghiệm như Enzo Maresca. Sau 8 năm làm công tác huấn luyện (phần lớn trong môi trường đội trẻ) và một bản lý lịch khiêm tốn với 14 trận dẫn dắt Parma cùng 53 trận với Leicester, Maresca bước vào Stamford Bridge như một học viên ưu tú nhưng vẫn đang trong quá trình học việc. Ông là hiện thân cho một Chelsea đang loay hoay giữa lý tưởng phát triển dài hạn và yêu cầu phải thành công ngay lập tức.

Chính vì thế, dễ hiểu khi Maresca nhấn mạnh yếu tố kinh nghiệm, không chỉ với cầu thủ mà còn với chính ông. Trong môi trường đỉnh cao khắc nghiệt như Premier League, bản lĩnh không tự nhiên sinh ra mà phải được tôi luyện qua thất bại, áp lực hay va chạm với thực tế. Ngay cả những danh hiệu bị đánh giá là “nhỏ” như Conference League cũng có giá trị tinh thần nhất định: Chúng tạo dựng niềm tin, cảm giác chiến thắng và củng cố sự tự tin trong một tập thể.

Tuy nhiên, sẽ thật ngây thơ nếu tin rằng bóng đá là một trò chơi nhập vai, nơi người chơi cứ tích đủ “điểm kinh nghiệm” là sẽ tự động lên cấp. Trải qua 50 trận ở Premier League, lọt vào top 5 hay vô địch một giải đấu hạng hai không đảm bảo rằng bạn đã sẵn sàng bước sang chương tiếp theo. Bóng đá thực tế hơn thế rất nhiều, nơi những biến số luôn hiện hữu và thành công chỉ đến với những tập thể sở hữu nền tảng vững vàng, bao gồm sự ổn định trong hệ thống, sự ăn ý trong cách vận hành và niềm tin tuyệt đối giữa các mắt xích trên sân.

Liverpool có Alisson, Van Dijk, Salah. Man City có Ederson, Ruben Dias, Rodri, De Bruyne. Chelsea thời vàng son có Cech, Carvalho, Terry, Makelele, Lampard. Đó là những cái tên mà chỉ cần điểm mặt là nhận ra ngay bản sắc, sự ổn định và khả năng chiến thắng.

Chelsea hiện tại thì sao? Họ kỳ vọng những Palmer, Caicedo, Enzo, Gusto… sẽ trở thành bộ khung tương lai. Trong số này, Caicedo là người có đủ tố chất để xây dựng đội bóng xung quanh. Với màn trình diễn nổi bật, Palmer cũng đang mang đến nhiều hy vọng. Nhưng ngoài những khoảnh khắc lóe sáng le lói, số cầu thủ thực sự tạo được cảm giác “chắc chắn” quá ít so với số tiền mà Chelsea đã đổ vào TTCN.

Một mùa giải đầy biến động đang trôi qua với sự thiếu ổn định cả trên băng ghế chỉ đạo lẫn trong phòng thay đồ. Ngay cả khi Chelsea kết thúc chiến dịch với một điểm sáng (chẳng hạn như tấm vé dự cúp châu Âu), câu hỏi lớn hơn vẫn còn ở phía trước: Liệu mô hình đang vận hành tại Stamford Bridge là đủ để xây dựng một đội bóng có khả năng cạnh tranh chức vô địch?

Theo New York Times

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Arsenal tái đấu PSG: Còn bao nhiêu phần trăm cơ hội vẫn phải cố!

Arsenal vẫn luôn biết cách đưa người hâm mộ đi từ bất ngờ này sang bất ngờ khác. Khi không được giới chuyên môn đặt quá nhiều kỳ vọng, đoàn quân Mikel Arteta lại xuất sắc đánh bại nhà đương kim vô địch Real Madrid trong cả hai lượt trận để hùng dũng tiến vào vòng bán kết Champions League với tổng tỉ số 5-1.

Inter Milan và đỉnh cao trước mắt

Bàn quyết định trong hiệp phụ của Davide Frattesi đã giúp Inter đánh bại Barcelona 4-3 ở trận bán kết lượt về UEFA Champions League, qua đó giành thắng lợi chung cuộc với tổng tỉ số 7-6. Inter đã thành công trong việc kết thúc hi vọng ăn ba của Barcelona và đoàn quân của Simone Inzaghi sẽ đến Munich vào cuối tháng Năm để đá trận chung kết Champions League thứ 2 trong 3 năm.

X
top-arrow