Thứ Sáu, 18/07/2025
Zalo

Nhật Bản bắt tay 7 quốc gia châu Á lên kế hoạch đăng cai World Cup 2046

Thứ Sáu 18/07/2025 16:38(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News
LĐBĐ Nhật Bản (JFA) đang tích cực chuẩn bị cho chiến dịch đăng cai World Cup 2046, kỳ World Cup được FIFA dành quyền tổ chức cho khu vực châu Á theo nguyên tắc luân phiên.

Nhật Bản bắt tay 7 quốc gia châu Á lên kế hoạch đăng cai World Cup 2046

Theo đó, thay vì đăng cai đơn phương, Nhật Bản lần này muốn hợp tác cùng các quốc gia Đông Á và Đông Nam Á trong một kế hoạch đồng đăng cai quy mô liên khu vực. Thông tin được Chủ tịch JFA,  ông Miyamoto Tsuneyasu xác nhận ngày 17/7, sau khi trở về từ Hàn Quốc, nơi diễn ra giải vô địch Đông Á.

Ông cho biết: “Chúng tôi chưa ký kết bất kỳ văn bản chính thức nào, nhưng cả hai khu vực đều thể hiện thiện chí. Kế hoạch đồng tổ chức World Cup là điều đáng để kỳ vọng.”

Theo JFA, ý tưởng này được thảo luận từ tháng 3/2025 tại Tokyo, trong một hội nghị chung giữa Liên đoàn Bóng đá Đông Á (EAFF) và Liên đoàn Bóng đá Đông Nam Á (AFF). Các quốc gia tiềm năng tham gia bao gồm: Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Singapore và Australia.

Ngay 4/6/2002 doi tuyen Nhat Ban truoc tran dau mo man tai san Saitama 2002 trong khuon kho World Cup Nhat – Han.
Ngày 4/6/2002 tuyển Nhật Bản trước trận mở màn tại sân Saitama 2002 trong khuôn khổ World Cup Nhật – Hàn.

Với việc các kỳ World Cup gần đây đều được tổ chức luân phiên giữa các châu lục, châu Á có cơ hội sáng giá để trở lại vai trò chủ nhà vào năm 2046. Trước đó, Bắc Mỹ đăng cai năm 2026, châu Âu, Nam Mỹ, châu Phi phối hợp tổ chức năm 2030, và Saudi Arabia sẽ là chủ nhà World Cup 2034.

Nếu thành công, đây sẽ là lần thứ hai Nhật Bản tổ chức World Cup, sau kỳ đại hội năm 2002 cùng Hàn Quốc. Đồng thời, kế hoạch này cũng phù hợp với chiến lược lâu dài được JFA đặt ra từ năm 2005: tổ chức World Cup trước năm 2050 và đưa ĐTQG Nhật Bản lên ngôi vô địch thế giới.

Theo quy định từ FIFA, quốc gia hoặc nhóm quốc gia đăng cai World Cup phải đảm bảo tối thiểu 14 sân vận động có sức chứa từ 40.000 chỗ trở lên. Trong số này, cần có ít nhất hai sân đủ điều kiện tổ chức bán kết (tối thiểu 60.000 chỗ) và một sân vận động chuẩn mực với sức chứa 80.000 chỗ cho trận chung kết.

Hiện tại, Nhật Bản chưa có sân nào đáp ứng yêu cầu tổ chức trận đấu cuối cùng của giải đấu. Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Nhật Bản (JFA), Tsuneyasu Miyamoto thừa nhận quốc gia này đã không đăng cai một giải đấu lớn nào kể từ World Cup 2002 và đang cần chứng minh lại năng lực tổ chức các sự kiện thể thao tầm cỡ.

Ông cũng tiết lộ JFA đang cân nhắc việc xin đăng cai World Cup nữ từ năm 2039 như một bước chuẩn bị dài hạn cho mục tiêu lớn hơn ở World Cup nam. Trong bối cảnh yêu cầu về cơ sở vật chất ngày càng cao, xu hướng đồng đăng cai World Cup cũng ngày càng trở nên phổ biến.

Sau lần tiên phong vào năm 2002 giữa Nhật Bản và Hàn Quốc, FIFA tiếp tục ủng hộ mô hình này: World Cup 2026 sẽ do ba nước Mỹ, Canada và Mexico cùng tổ chức, trong khi World Cup 2030 dự kiến có đến sáu quốc gia đồng đăng cai, bao gồm Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Morocco và ba đại diện Nam Mỹ.

FIFA cũng đang cân nhắc khả năng nâng số đội tham dự lên 64 đội, khiến yêu cầu về quy mô tổ chức càng trở nên khắt khe và chỉ những liên minh khu vực hoặc nhóm quốc gia đủ điều kiện về tài chính, hạ tầng và chính trị mới có thể đáp ứng.

Khám phá thêm nội dung hấp dẫn trong các chủ đề liên quan:

Có thể bạn quan tâm

Xem thêm
top-arrow
X